Tin Tức Logistics

Những kho hàng sát biên giới - Bài 3: Việt Nam cần phát triển mạnh hệ thống logistics vùng biên

Những kho hàng sát biên giới - Bài 3: Việt Nam cần phát triển mạnh hệ thống logistics vùng biên

Thương mại điện tử đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong nền kinh tế số của Việt Nam. Tuy nhiên, sự phát triển này đang đối mặt với nhiều thách thức từ phía các nhà bán hàng Trung Quốc. Đặc biệt là với việc họ tăng tốc xây dựng các kho hàng lớn ngay tại biên giới Việt Nam.

Về vấn đề này, tờ Pháp Luật TP.HCM đã có dịp trò chuyện với ông Nguyễn Bình Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam - Phó Trưởng khoa Hệ thống Thông tin Kinh tế và Thương mại Điện tử tại Trường Đại học Thương mại để hiểu rõ hơn về những ảnh hưởng cũng như cách thức ứng phó của ngành trong bối cảnh hiện tại.

“Trong nguy có cơ”

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ quan điểm về việc Trung Quốc mở rộng xây dựng các tổng kho ngoại quan gần biên giới Việt Nam?

Ông Nguyễn Bình Minh: Việt Nam và Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện. Do đó, việc hợp tác và phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới cũng là một phần của quan hệ này và hoàn toàn nằm trong khuôn khổ bình thường.

Trung Quốc đang chủ động xây dựng các kho hàng lớn ngay sát biên giới Việt Nam và các quốc gia khác nhằm phục vụ tốt hơn cho nhu cầu thị trường nội địa và quốc tế. Đây là chiến lược kinh doanh thông minh giúp hàng hóa của họ dễ dàng tiếp cận các thị trường lân cận, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của các kho hàng này cũng có thể mang lại những thách thức cho các nhà sản xuất và bán lẻ Việt Nam. Chúng ta cũng cần nhận thức được rằng mỗi thách thức cũng chính là một cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng đáp ứng của thị trường nội địa.

Phóng viên: Vậy cụ thể nguy cơ và cơ hội ở đây là gì, thưa ông?

Như đã phân tích, mọi thách thức cũng tiềm ẩn các cơ hội lớn. Sự gia tăng hoạt động kinh doanh của các nhà bán lẻ Trung Quốc tại biên giới Việt Nam, kể cả việc thuê người Việt livestream để bán hàng cho thấy họ đang chủ động khai thác thị trường thương mại điện tử đầy tiềm năng của Việt Nam. Điều này không chỉ đem lại lợi ích về nguồn hàng giá rẻ và dịch vụ giao hàng nhanh cho các nhà kinh doanh sản phẩm Trung Quốc mà còn mở ra các cơ hội kinh doanh mới.

Mặt khác, việc xây dựng các kho ngoại quan quy mô lớn dọc biên giới Việt-Trung tạo ra áp lực đáng kể cho sản phẩm nội địa và các nhà bán lẻ Việt Nam. Đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ lẻ và theo mô hình kinh doanh thời vụ. Với quy mô đầu tư lớn và hệ thống logistics hiện đại, các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam có thể gặp khó khăn trong việc cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc này cũng kích thích sự cạnh tranh trong nước, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm để tồn tại và phát triển trong cuộc đua giao vận và thương mại điện tử.

Việt Nam cũng có nhiều lợi thế

Phóng viên: Trước tình hình Trung Quốc mở rộng các kho hàng dọc biên giới, ông cho rằng các nhà bán hàng Việt cần làm gì để thích nghi và cạnh tranh hiệu quả?

Ông Nguyễn Bình Minh: Đối mặt với sự cạnh tranh gia tăng từ phía Trung Quốc, các nhà bán hàng Việt Nam không thể chỉ than vãn mà cần phải chủ động cải tiến dịch vụ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Nếu không, chúng ta sẽ mất dần lợi thế về giá cả lẫn khả năng logistic.

Các công ty trong nước có lợi thế trong việc hiểu và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, một số nhà sản xuất và bán hàng trong nước vẫn còn lạc hậu trong cách tiếp cận thị trường. Chỉ tập trung vào việc bán hàng nhanh và giá rẻ, thay vì xây dựng giá trị bền vững qua sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ sau bán hàng tốt. Đây là lúc cần phải thay đổi tư duy kinh doanh. Cần từ bỏ mô hình nhỏ lẻ, thời vụ và hướng tới việc đầu tư một cách bài bản, có tính chiến lược.

Nâng cao hệ thống logistics cũng sẽ giúp hàng Việt cạnh tranh tốt hơn. Đồng thời giảm thiểu sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp ngoài, nhất là trong bối cảnh hiện tại. Trong thương mại điện tử, việc đảm bảo tính xác thực của sản phẩm thông qua truy xuất nguồn gốc là vô cùng quan trọng để không những giảm thiểu hàng giả, hàng nhái mà còn xây dựng niềm tin với người tiêu dùng.

Chính những nỗ lực này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Phóng viên: Trước ý kiến về việc các công ty Việt nên xây dựng kho bãi và hệ thống logistics gần biên giới để tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc, ông có đồng tình không?

Ông Nguyễn Bình Minh: Tôi rất đồng tình với quan điểm này. Thực tế hiện nay cho thấy mặt hàng giả mạo như hàng Trung Quốc giả danh hàng Việt đã tạo ra một môi trường kinh doanh không minh bạch, làm suy giảm lợi thế của sản xuất trong nước. Đối mặt với những thủ thuật giá như vậy từ phía đối tác, các nhà bán lẻ Việt Nam đôi khi phải chịu thiệt thòi. Thậm chí buộc phải rút lui khỏi thị trường sau khi các đối thủ tăng giá trở lại.

Trong bối cảnh cạnh tranh này, sản phẩm Việt có ưu thế về sự hiểu biết thị trường địa phương và được người tiêu dùng Việt Nam ủng hộ. Nếu tập trung phát triển sản phẩm mang tính đặc trưng như các sản phẩm OCOP, chúng ta không chỉ tạo ra cơ hội mà còn có thể cân bằng lại thế cạnh tranh. Hiện tại, các mặt hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là sầu riêng đã và đang tạo ra sức hút mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc.

Vì vậy, tôi ủng hộ việc xây dựng các kho và hệ thống logistics ngay tại các điểm biên giới. Không chỉ giúp chúng ta cung cấp hàng hóa nhanh chóng và hiệu quả hơn tới thị trường Trung Quốc mà còn cho phép chúng ta tận dụng và phát huy các thế mạnh đặc trưng của hàng Việt. Đây là hướng đi cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững trong kinh doanh.

Nguồn: https://plo.vn/nhung-kho-hang-khung-sat-bien-gioi-bai-3-viet-nam-can-phat-trien-manh-he-thong-logistics-vung-bien-post784884.html

Chia sẻ:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Trả lời