- Trang chủ
- Tin tức
- Tin Tức Logistics
- Logistics Hà Nội phát triển chưa xứng với tiềm năng
Hà Nội có vị trí được ví như “trái tim” của vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, sở hữu hệ thống giao thông đa dạng và đồng bộ bao gồm đường bộ, đường thủy, hàng không và đường sắt.
Vị thế này tạo điều kiện lý tưởng để Thủ đô trở thành điểm nút chính trong mạng lưới logistics của miền Bắc. Tuy nhiên, dù có lợi thế về vị trí và cơ sở hạ tầng, ngành logistics tại Hà Nội vẫn chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng sẵn có.
Hiện nay, khoảng 40% hàng hóa từ các tỉnh thành khác được vận chuyển qua Hà Nội. Thành phố cũng đang quản lý 10 khu công nghiệp đang hoạt động và hơn 100 cụm công nghiệp đang phát triển, bên cạnh hàng nghìn siêu thị, trung tâm thương mại, chợ và cửa hàng phục vụ cho nhu cầu của hơn 10 triệu dân.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, ngành logistics tại Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế. Các kho hàng và bến bãi logistics ở đây nhỏ lẻ và thiếu liên kết. Đồng thời thiếu các loại hình kho lưu trữ hàng hóa đặc thù như kho mát, kho lạnh, làm giảm hiệu quả trong việc phân phối và bảo quản hàng hóa.
Hệ thống cảng cạn ICD tại Hà Nội cũng có nhiều hạn chế về số lượng và chủ yếu phụ thuộc vào đường bộ, chưa được kết nối hiệu quả với các tuyến đường sắt hay đường thủy. Điều này cùng với chi phí logistics cao và tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên đã ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành.
Theo số liệu mới nhất, khoảng 25 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực logistics tại Hà Nội. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu vận tải hàng hóa trong nước. Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu - 18% tổng lượng lại do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện.
Thêm vào đó, tình hình địa chính trị phức tạp toàn cầu cũng đang tác động đến ngành vận tải biển quốc tế. Ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội, cho biết: "Trong năm 2023, suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành logistics, khiến kim ngạch xuất nhập khẩu giảm sút đáng kể, từ đó làm giảm lượng hàng lưu thông. Đến năm 2024, ngành vẫn đối mặt với những thách thức do địa chính trị gây ra, tiếp tục cản trở hoạt động vận tải biển quốc tế."
Để thúc đẩy ngành logistics phát triển mạnh mẽ trong năm 2024, thành phố Hà Nội đã chủ trương tăng tốc đầu tư vào hạ tầng logistics. Cùng với việc mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương khác trong và ngoài nước. Mục tiêu hướng đến giúp Thủ đô thành trung tâm điều hành logistics chủ chốt của khu vực miền Bắc.
Ngay từ đầu tháng 1 năm 2024, UBND thành phố đã chính thức phát động kế hoạch số 01/KH-UBND nhằm đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics. Kế hoạch không chỉ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tăng tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP của thành phố. Thông qua việc khuyến khích các doanh nghiệp gia tăng tỷ lệ thuê ngoài và giảm chi phí logistics, thành phố Hà Nội kỳ vọng sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm. Đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất, thương mại truyền thống, thương mại quốc tế và TMĐT.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, nhằm nâng cao cơ sở hạ tầng logistics, UBND thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát và cập nhật quy hoạch các điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung. Thành phố đang tích cực phối hợp giải quyết các vướng mắc để thúc đẩy khởi công các dự án hạ tầng dịch vụ logistics đã được duyệt. Trong số các kế hoạch được đặt ra, có việc khởi công xây dựng 2 cảng cạn ICD mới tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức vào năm 2024. Ngoài ra, thành phố cũng đang trong quá trình xác định vị trí và diện tích cho 2 trung tâm logistics mới tại các huyện Phú Xuyên và Sóc Sơn. Hoàn thiện các thủ tục đầu tư cho cảng container quốc tế mới tại xã Cổ Bi và xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm.
Để đảm bảo các dự án này triển khai suôn sẻ theo quy hoạch, thành phố Hà Nội đang tích cực kêu gọi và xúc tiến đầu tư, bao gồm cả chính sách thu hút nhà đầu tư cho lĩnh vực logistics. Đặc biệt, thành phố đang chú trọng vào 9 dự án phát triển hạ tầng dịch vụ logistics.
Hà Nội không chỉ đầu tư mạnh vào việc xây dựng các cảng và kho bãi mà còn nhấn mạnh sự phát triển đồng bộ của hệ thống giao thông và cải cách thủ tục hành chính. Bên cạnh đó là áp dụng công nghệ trong quản lý và thực hiện các chính sách. Chỉ có như vậy mới có thể thu hút doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Thành phố đang tiến hành xây dựng các trung tâm logistics có quy mô phù hợp dọc theo các tuyến đường vành đai để kết nối các điểm gom hàng, các kho tập kết và phân phối hàng hóa ở các khu vực sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, cũng như các khu công nghiệp. Một mặt khác, Hà Nội đặt mục tiêu phát triển hệ thống kho bãi và kho hàng chuyên dụng để nâng cao hiệu quả logistics.
Để thực hiện mục tiêu này, thành phố đang tập trung vào việc phát triển hạ tầng giao thông và hệ thống giao thông thông minh, cùng với các nền tảng kết nối giữa các chủ hàng, nhà giao vận và khách hàng. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhằm xử lý nhanh chóng và thuận tiện các thủ tục hành chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực công thương, hải quan, thuế và giao thông vận tải.
Hà Nội chủ trương thúc đẩy sự phát triển của ngành logistics bằng cách kêu gọi các nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu thế giới cũng như các doanh nghiệp trong nước thành lập trụ sở, chi nhánh và văn phòng giao dịch tại địa phương. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang tăng cường hợp tác và liên kết với các địa phương lân cận trong vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, các tỉnh thành khác trên cả nước để tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển và phân phối hàng hóa.
Lãnh đạo thành phố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các doanh nghiệp logistics địa phương nâng cấp cung cấp dịch vụ từ 3PL, 4PL lên đến 5PL. Tức là triển khai các dịch vụ logistics trọn gói trên nền tảng công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng những tiến bộ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 trong quản lý và vận hành chuỗi cung ứng cũng như các hoạt động logistics để tăng hiệu quả, tối ưu hóa quy trình và cải thiện chất lượng dịch vụ tổng thể.
Nguồn: https://bnews.vn/logistics-ha-noi-phat-trien-chua-xung-voi-tiem-nang/330844.html